THẦN LINH VÀ BÙA PHÉP THÁI LAN .
ĐÔI LỜI MỞ ĐẦU : " Gần 95% người Thái theo đạo Phật Nam Truyền (bao gồm các phái Thiền Lâm Thái Lan, Dhammayuttika Nikaya và Santi Asoke). Một nhóm nhỏ người Thái Lan (4.6%) theo đạo Hồi, 0.7% dân số theo đạo Thiên Chúa. Ngoài ra, còn có các tôn giáo khác. Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan được sự hậu thuẫn và quan tâm lớn từ Chính phủ. Các nhà sư được hưởng nhiều lợi ích do Chính phủ mang lại, ví dụ như được sử dụng các phương tiện giao thông công cộng miễn phí.
Phật giáo ở Thái Lan bị ảnh hưởng lớn bởi các niềm tin truyền thống về tổ tiên và các vị thần tự nhiên; các niềm tin này đã được đưa vào vũ trụ luận Phật giáo. Hầu hết người Thái xây một miếu thờ nhỏ trong nhà, là một ngôi nhà gỗ nhỏ nơi mà họ tin rằng là chỗ trú ngụ của các vị thần linh. Người Thái dâng thức ăn và nước uống cho các vị thần này để cho các thần hài lòng. Nếu các vị thần không hài lòng, thần sẽ đi ra ngoài miếu thờ và trú ngụ trong nhà của gia chủ và quấy nhiễu. Những miếu thờ này cũng được dựng lên ven đường ở Thái Lan, nơi mà công chúng thường xuyên dâng lễ vật lên các vị thần.
Trước khi Phật giáo Nam Tông phát triển, Bà-la-môn Giáo Ấn Độ và Phật giáo Phát triển đã hiện diện. Ngày nay, ảnh hưởng từ hai truyền thống này vẫn còn rõ nét. Các chùa Bà-la-môn đóng một vai trò quan trọng đối với tôn giáo dân gian Thái, và các ảnh hưởng từ Phật giáo Đại Thừa vẫn còn được phản ánh trong các hình tượng, ví dụ như Quán Thế Âm, một hình dạng của Bồ Tát Quán Thế Âm, người thỉnh thoảng vẫn được xem là biểu tượng Thái Lan . " ( http://vi.wikipedia.org/ ). 
Chúng ta đã khảo cứu qua các vị Thần của Trung Hoa, của Hin đu và Bà La môn Ấn Độ. Nay tiếp theo mạch , chúng ta khảo cứu tiếp về THẦN LINH VÀ BÙA PHÉP THÁI LAN . Các khảo cứu này do dienbatn sưu tập trong Huyền môn và trên Internet và biên tập lại làm tư liễu khảo cứu. Nếu có phần nào không ghi nguồn là do dienbatn không nhớ nguồn sưu tập - Xin các tác giả lượng thứ. Thân ái. dienbatn.
CÁC VỊ THẦN THÁI LAN.
MỤC LỤC.
1 HÌNH TƯỢNG NỮ THẦN TÀI LỘC , TÌNH YÊU - NÀNG KWAK.
2. PHÚC THẦN VOI GANESHA .
3. KUMAN THONG .
4. XÂM BÙA - SAK YANT.
5. BÙA TAKRUT VÀ THUẬT VÔ KIM VÀNG GOLD NEEDLE TAKRUT
6. BÙA DƯƠNG VẬT PALAD KHIK.
7. DẦU MA THUẬT ĐEN - NAM MAN PRAI .
8. MA THÁI LAN - NHỮNG CON MA NỔI TIẾNG.
9. NGẢI THÁI LAN - (  Black Magic Thailand ) .
10/  MỘT SỐ GURU HUYỀN MÔN THÁI LAN TIÊU BIỂU.
11. MỘT SỐ CÂU CHÚ ĐỂ SỬ DỤNG KHI TÔM BÙA THÁI - Kata Chanting.
12. NHỮNG BÀI KINH QUAN TRỌNG KHI SỬ DỤNG VÀ THỰC HIỆN BÙA THÁI .
13/ MA THUẬT ĐEN THÁI LAN .

" Ma thuật, tiếng Anh là magic, tiếng Pháp - magic, tiếng Nga - Maura, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: mageia. Vậy ma thuật là gì? Cho đến nay trong giới khoa học vẫn còn những kiến giải khác nhau.
Nhiều người cho rằng ma thuật là những hành động khác nhau của con người, nhằm một mục đích nào đó, tác động đến ngoại giới, bằng các biện pháp như thần chú, lời nguyện, thuốc men… Niềm tin có thể tác động đến ngoại giới này xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người. Đây là niềm tin “ngây thơ”, khi trình độ hiểu biết của con người còn thấp và con người nguyên thủy còn bất lực trong cuộc đấu tranh với các lực lượng tự nhiên để sinh tồn. Ma thuật dựa trên cơ sở niềm tin rằng bên cạnh thế giới thực, dường như còn tồn tại một thế giới siêu nhiên, các hiện tượng của giới tự nhiên dường như được các sức mạnh siêu nhiên chi phối, và con người trong những hoàn cảnh và điều kiện nhất định dường như có được sức mạnh siêu nhiên, mà nhờ đó tác động đến các hiện tượng tự nhiên và số phận con người theo mong muốn của mình.
Ma thuật xuất hiện trong xã hội nguyên thủy, là một hình thái của tín ngưỡng nguyên thủy. Nó tiếp tục tồn tại trong các xã hội có giai cáp và nhà nước. Cố nhiên, trong xã hội nguyên thủy, sự tác động của nó đến con người sâu rộng, phong phú và đa dạng; còn trong các xã hội có giai cấp, phạm vi tác động của nó bị thu hẹp, biểu hiện của nó bị biến tướng và nhiều trường hợp dưới dạng tàn dư. Có một điều, cho đến nay có người còn chưa nhận thức được rằng ma thuật không chỉ tồn tại trong các tín ngưỡng nguyên thủy, mà nó còn là một yếu tố không thể tách rời trong tất cả các tín ngưỡng tôn giáo của loài người, từ đa thần giáo đến nhất thần giáo, từ tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy đến hình thái tôn giáo dân tộc, khu vực và tôn giáo thế giới."...
" Ma thuật là một hình thái của tín ngưỡng nguyên thủy. Dưới dạng tàn dư, nó còn tồn tại mãi cho đến ngày nay.
Một trong những vấn đề khi nghiên cứu ma thuật là sự phân loại. Trong các tài liệu khoa học, ta thấy có nhiều cách phân loại. Sở dĩ như vậy là vì người ta dựa vào các tiêu chí khác nhau để phân loại. Đáng chú ý hơn cả là cách phân loại ma thuật dựa trên mục đích. Theo tiêu chí này, người ta chia ma thuật ra làm 2 loại: Ma thuật đen và ma thuật trắng.
Ma thuật mưu sinh tồn tại rất dai dẳng và mang tính phổ biến trong xã hội loài người. Cố nhiên hiện nay nó không còn ở dạng nguyên vẹn như thuở ban đầu, dưới xã hội nguyên thủy, mà chỉ là những dấu vết tàn dư mà thôi.
SỰ PHÂN LOẠI MA THUẬT ĐEN VÀ MA THUẬT TRẮNG .
1. Hiện trạng
Sự phân loại này rất thịnh hành từ thời Trung thế kỷ và tồn tại mãi cho đến ngày nay.
1. Trong Từ điển Dân tộc học, Michel Panoff và Michel Perrin, giải thích như sau:
Ma thuật trắng, là loại ma thuật dùng để tránh xa ma quỷ hay để chữa bệnh cho những người bị ma quỷ làm hại. Nó không được xem là phản xã hội, trái với ma thuật đen
Ma thuật đen là ma thuật thu phục ma quỷ và các lực lượng siêu nhiên nguy hiểm để làm công cụ giết người. Tất cả các xã hội phân biệt loại ma thuật này với ma thuật trắng và lên án nó .
2. Trong Từ điển các Tôn giáo
Marguerita Marie Thiollier. Người ta phân biệt ma thuật trắng hay tự nhiên mang lại sự tốt lành như những nghi thức nông nghiệp, những lễ cầu mưa, chữa bệnh hay chữa vết thương, thành công của một doanh nghiệp…. và ma thuật đen, tức là phép phù thủy (sorcellerie). Nó tìm cách làm hại bằng những bùa yểm, những sự mê hoặc, những lời nguyền rủa .
3. Trong Bách khoa thư
a. Đại Bách khoa thư xô viết. Người ta chia ma thuật ra làm ma thuật đen để nói về các ma dữ và ma thuật trắng để nói về các ma sạch - thánh thần .
b. Đại bách khoa thư Larousse (Pháp).
Ma thuật đen là một loại ma thuật mà một số người tự cho mình gây được hiệu quả siêu tự nhiên nhờ sự can thiệp của ma, nhất là quỷ. Ma thuật trắng là nghệ thuật gây được một số hiệu quả nhìn bề ngoài là thần kỳ, nhưng sự thật nó là do những nguyên nhân tự nhiên .
c. Từ điển Bách khoa Việt Nam
Ma thuật đen, hành động nhằm đem lại một điều hại cho đối phương… Ma gà, ma cà rồng, ma lai…
Ma thuật trắng, hành động ngược lại với ma thuật đen, dùng phương pháp thần bí để ngăn chặn, xua đuổi ma quỷ, thần thánh, các lực lượng siêu linh bằng sức mạnh hay phép lạ của con người. Những đấng cứu thế, thầy cúng, thầy mo, thường được coi là người có ma thuật trắng, có thể cứu nhân độ thế, chữa bệnh tật, trừ được họa của ma thuật đen .
II. Nhận xét:
1. Căn cứ vào tác động của ma thuật đen đối với hoạt động của con người, ta thấy tất cả các dạng ma thuật đen đều có hại đối với đời sống cộng đồng, đều làm cho xã hội con người mất ổn định. Loài người lên án nghiêm khắc ma thuật đen, chống trả với nó quyết liệt và tìm đủ mọi cách để loại bỏ nó ra khỏi đời sống xã hội, là hoàn toàn đúng đắn.
2. Đối với ma thuật trắng, tình hình có phức tạp hơn. Ở đây cần phân biệt hai loại đối tượng:
Một là người dùng ma thuật trắng hay nhờ thầy phù thủy, thầy cúng dùng ma thuật trắng để giúp mình, thực hiện một việc gì đó, có lợi cho mình. Yêu cầu đó được thỏa mãn trên cơ sở chà đạp lên quyền lợi của người khác.
Trong ma thuật chiến tranh, dùng phù phép bùa chú để tăng thêm hiệu lực của vũ khí và sự dũng cảm là để giết kẻ thù và chiến thắng
Như vậy, nếu ma thuật chiến tranh gọi là ma thuật trắng, thì nó chỉ trắng có một nửa.
Trong ma thuật tình ái, dùng ma thuật để cho cô gái yêu mình trong khi cô ta đã có người yêu. Thậm chí dùng ma thuật để lôi kéo những phụ nữ đã có chồng con. Tình yêu đôi lứa không dựa vào sự tự nguyện, lại còn đi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, tại sao loại ma thuật này gọi lầm thuật trắng. Nếu gọi là ma thuật trắng, thì chỉ được trắng một nửa.
Trong ma thuật chữa bệnh, có trường hợp thầy lang, thầy phù thủy chuyển bệnh của người này sang người khác.
Còn trong ma thuật mưu sinh, ta cũng thấy tình hình tương tự. Người đi săn dùng ma thuật để cho người đi săn khác không theo được dấu vết thú rừng, nếu gặp được thú thì bắn cũng không trúng đích, dù cự ly gần. Còn trong trồng trọt. trong khi dùng ma thuật làm cho mình được mùa, thì lại làm cho người khác mất mùa. Đặc biệt nguy hại là dùng ma thuật làm tổn hại đến hồn lúa của nhau.
3. Như vậy, tất cả các loại ma thuật đều có hại ở những mức độ khác nhau, và đều cần loại trừ. Chia ma thuật ra làm hai loại đen và trắng, không có nghĩa chỉ chống lại ma thuật đen, còn ma thuật trắng thì cứ để cho nó tồn tại, vì ngộ nhận là nó vô hại. Nó chỉ vô hại đối với người này, còn trong cộng đồng thì nó lại có hại đối với người khác.
4. Nếu tất cả các loại ma thuật đều là ma thuật đen, thì sự phân loại ma thuật thành ma thuật đen và ma thuật trắng không có lý do để tồn tại.
5. Kết luận thực tiễn của bài nghiên cứu này là như sau: Không có cái gọi là ma thuật trắng, chỉ đem lại lợi ích cho người này mà không gây tác hại cho người khác. Sau một thời gian lâu dài (từ trung thế kỷ) tồn tại, ngày nay đã đến lúc cần loại bỏ cách phân chia ma thuật ra làm hai loại đen, trắng ra khỏi các cách phân loại ma thuật. ' 
(Một thầy pháp đang thao tác yểm bùa thông qua hình nhân)
" Trong các sách báo nước ta, có thể tìm mấy ma thuật làm hại đã được đề cập đến không phải một lần:
Trong công trình “Nhóm Xinh Mul” của sách “Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam”, Nguyễn Văn Huy viết về nhóm Xinh Mul như sau: “Trước ngày giải phóng, ma thuật làm hại “Plebưng” tồn tại tương đối phổ biến trong người Xinh Mul. Đồng bào tin rằng, có một số người Xinh Mul. Có thể dùng những phép thuật làm cho những người khác phải ốm đau hay chết”. Có mấy loại ma thuật như sau:
- “Băng phôn”: Loại ma thuật có tác dụng như chém vào đối phương khiến phải chết ngay.
- “Hàn hẻo”: Làm chết dần chết mòn.
- “Lắng lượt”: Làm đổ máu ở hậu môn
- “Pót Pải”: Làm đau bụng, đau ngực
- “Mít sẩy”: Làm đứt ruột.
- “Lắng nậm”: Làm khát nước, bụng trương lên.
- Để làm hại người khác, người có ma thuật dùng các biện pháp sau đây: 
- Lấy que do vết chân đối phương, phù phép vào que đó, rồi bẻ gẫy đôi. Làm như thế, họ tin rằng đối phương sẽ bị đứt ruột. Có khi người ta phù phép rồi chém vết chân đối phương và coi như đã giết được.
- Một phương pháp tương đối phổ biến là lấy ít tóc hay cổ áo của đối phương nhét vào giữa củ nâu rồi nấu lên. Sau đó bí mật chôn củ nâu ấy dưới gầm nhà đối phương. Với cách làm như thế, họ tin rằng chỉ năm sáu ngày sau người kia sẽ chết.
- Khi xích mích với ai, họ thường phù phép vào ngay vật gì đã là nguyên nhân gây xích mích để làm hại đối phương. Thí dụ, khi thắc mắc về chuyện thóc, gạo, rượu, thịt, người ta tin rằng, có thể phù phép cho thóc gạo bay vào bụng người mình muốn hại, khiến người đó phải đau bụng (Đặng Nghiêm Vạn và cộng sự, 1979, tr.308-310).
Nguyễn Trúc Bình, nghiên cứu “Nhóm Kháng” ở Tây Bắc, đã viết về ma thuật làm hại: “Trước kia, đồng bào cho rằng người ta ốm đau còn do một nguyên nhân nữa là bị người khác có thù hằn với mình dùng ma thuật “hù măn” làm hại bằng cách “thổi” những hòn sỏi, hạt thóc hoặc mảnh xương, găm gỗ lạt vào thân thể người ốm. Gia đình người ốm phải mời “pả mằn da” đến để làm phù phép bằng cách xoa lá trầu không và lăn quả trứng gà vào chỗ đau của người ốm để hút những vật ấy ra” (Đặng Nghiêm Vạn và cộng sự, 1979, tr.200).
Còn đối với người Khơ-mú ở Tây Bắc, theo Đặng Nghiêm Vạn, ma thuật làm hại có những biểu hiện như sau: “Sự tin tưởng vào việc cúng lễ hay các ma thuật có thể ngăn chặn hay xua đuổi được những ma do người khác xua đến làm hại họ… trong trường hợp bị chài ếm, bị bùa mê…” (Đặng Nghiêm Vạn và cộng sự, 1979, tr.142).
Ma thuật làm hại không chỉ có ở các dân tộc thuộc khu vực lịch sử - dân tộc học Tây Bắc, mà còn ở khu vực lịch sử - dân tộc học Tây Nguyên.
Trần Mạnh Cát, trong bài viết về dân tộc Giẻ-Triêng in trong cuốn sách Các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1981, của tập thể tác giả, đề cập đến ma thuật làm hại như sau: “Trước đây, đồng bào cho rằng người ta ốm còn do một nguyên nhân nữa là bị người khác thù hằn với mình làm ma thuật để hại bằng cách thổi hoặc “bắn” những hòn sỏi, mảnh gỗ, mảnh xương lọt vào thân thể. Gia đình người ốm phải mời ngài Giàng đến phù phép vào chỗ đau để lấy vật đó ra” (Các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum, tr.267).
Đặng Nghiêm Vạn tìm hiểu ma thuật làm hại ở dân tộc Xơ-đăng có nhận xét như sau: “Sau ngày giải phóng tôn giáo tín ngưỡng đã giảm bớt… Hiện tượng ma lai (Kia po poi, mnghe niđiêng ni lăng), một thứ ma cà rồng đã bị xóa bỏ” (Các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tr.234).
Bế viết Đẳng trong phần “Các quan hệ xã hội” của cuốn sách Đại cương về các dân tộc Ê-đê, Mnông ở Đắc-Lắc, có viết như sau về hiện tượng ma thuật làm hại: “Trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp ở người Ê-đê và Mnông cũng như ở các dân tộc khác của Tây Nguyên đã làm cho đồng bào tin ở nhiều thần thánh ma quỷ, trong đó đáng chú ý là ma lai. Theo quan niệm của người dân, ma lai có ở một số người và có thể biến thành những vật khác nhau rất khó nhận ra, người Ê-đê gọi là Mtao, người Mnông gọi là chiaK, hay Chà. Ma này làm hại gia súc, làm người ốm đau, có khi gây chết hàng loạt. Cho nên, những người bị nghi là ma lai đều làm cho dân buôn sợ, lánh xa, nếu phải tiếp xúc thì người ta chỉ gặp qua và cố làm cho người coi là ma lai hài lòng để tránh hậu họa. Người bị nghi có ma lai thường bị mọi người oán ghét, có khi bị giết đem bán ở những nơi xa xôi làm nô lệ” (Bế Viết Đẳng và cộng sự, 1982, tr.94-95).
Ma thuật làm hại không chỉ tồn tại trong thời cổ đại và cận đại, và được mô tả trong các cuốn sách nghiên cứu, mà còn tồn tại mãi đến ngày nay, trong thời hiện đại và được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các tờ báo hàng tuần và hàng ngày. Sau đây là một số dẫn chứng cụ thể. Trên báo “Thanh niên” số 71 (4097) ra ngày 12/3/2007 ở trang 3 có đưa tin 3 người bị đánh chết vì nghi có thuốc thư. Vụ giết người dã man đã xảy ra tại làng Dak Ya xã Dak Ya, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Đêm 10 rạng sáng 11/3/2007, 3 người (Duân, Kel-dân tộc Ba-na) và ông Hnhiên (73 tuổi, bố của Kel) bị nghi có thuốc thư nên đã bị dân làng phá nhà và giết chết. Duân bị thanh niên làng dùng cây gậy đánh đuổi, đánh cho đến chết, sau đó kéo xác bỏ tại khu vực nhà mồ của làng. Còn nhà cửa của Kel bị đập, toàn bộ đồ đạc bị phá. Họ dùng gậy cuốc, dao rựa đánh chết Kel và ông Hnhiên, đốt phá toàn bộ chòi rẫy rồi bình thản kéo nhau về nhà rông. Cũng báo Thanh niên, số 72 (4098) ngày 13/3/2007, liên tiếp đưa tin ngày 11/3, công an huyện Phong Thổ (Lai Châu) bắt khẩn cấp 4 đối tượng gồm Trang A Kho, chang A Pó, Pho A Po, Phu A Sa, cùng trú tại bản Huổi Luông, xã Huổi Luông, Phong Thổ vì đã có hành vi đánh chết anh Cao A Kỵ (ngụ cùng bản). Theo lời khai ban đầu, do nghi vợ chồng Cao A Kỵ đã làm ma chài chết đứa cháu của Kho nên những người này đã tìm cách đánh chết Kỵ.
Trên các trang báo điện tử, ta cũng có thể tìm thấy một số tin tức về ma thuật làm hại. Ví dụ:
- Ở làng Ka, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, ngày 23/2/2007, anh Kpà Hyok (anh em cột chèo với Kpa Vel) trong lúc cuốc đất làm rẫy tìm thấy một củ lạ trong rẫy  nhà Kpa Vel. Người làng cho đó là thuốc thư. Do bị đánh đập, anh về vườn nhà đào một ụ mối, tìm thấy một củ nhỏ cây rừng, không biết là củ gì, người làng khẳng định đó là thuốc thư. Ông Vel bị dân làng đánh đập, sau đó chết. Tên Kpa, Vel, Kpa, Hyok và Kpui Tae cầm đầu kích động bà con đã bị công an Gia Lai bắt ngay sau đó.
- Cũng trong những ngày đầu năm 2007, tại làng Tào Róng, xã Dun (cạnh xã Ia Tiêm) Chư Sê, Siu Peng 50 tuổi, nguyên là già làng Tào Rông, mỗi khi uống rượu say thường lẩm nhẩm mình làm được thuốc thư. Nghe vậy, dân làng vừa khiếp sợ, vừa căm ghét. Siu Nhiên học sinh lớp 9 trường trung học cơ sở Nguyễn Du một lần trên đường đi học về gặp, nói chuyện với ông Siu Peng, sau đó về đau bụng vật vã. Trong giấc mơ Siu Nhiên thấy Siu Peng bỏ thuốc thư vào người mình. Siu Nhiên kể lại cho bố là ông Rơ Lan Tiêu. Gia đình đã không đưa Siu Nhiên đi bệnh viện khám, mà sang cãi nhau với Siu Peng, khi về thì Siu Nhiên đã chết.
Theo luật tục Gia Lai, để phân rõ đúng sai, Rơ Lan Tiêu và Siu Peng thi lặn nước. Siu Peng vì già yếu, phải nổi lên trước. Dân làng định lôi lên trị tội con ma lai già Siu Peng nhưng đợi mãi không thấy người thắng cuộc nổi lên, trai làng xuống nước tìm thì Rơ Lan Tiêu đã chết (Tin của tác giả Lê Quang Hợi).
Viết về ma thuật làm hại trong thời gian gần đây có lẽ công phu và phong phú hơn cả là phóng sự dự thi của Tường Linh với tựa đề: Ma thuật làm hại nỗi kinh hoàng ở miền Trung Tây Nguyên, đăng trên báo “An ninh thế giới”, ra ngày 30/5/2002.
Trong bài phóng sự ấy, tác giả đề cập các vấn đề sau:
1. Phương pháp luyện độc và thủ thuật thực hành ma thuật làm hại.
Tác giả cho biết người Ba-na tại Gia Lai, Kon Tum, miền Tây Bình Định, Phú Yên luyện bgang, matrốp từ xương người. Ông Đình Lênh (90 tuổi) ở xã Sitơ (Kbang, Gia Lai), chủ nhân bgang, matrôp là đàn ông độc thân, từ nhỏ sống cách biệt làng bản. Để làm bgang, matrop, phải đi tìm hộp sọ, xương bàn tay, chân của thai nhi chết lưu, giấu khe núi 3 tháng 10 ngày, cúng để ma rừng nhập vào ché chứa sọ. Người có matrôp làm hình nộm đặt cạnh ché, nhảy múa, gọi tên địch thủ, lấy lá độc đập vào hình nộm.
Người Hrê ở Tây Quảng Ngãi, huyện An Lão (Bình Định), huyện Kon Plong (Kon Tim) dùng phép luyện độc, kiêng không ăn thịt tươi, không gần đàn bà, không tắm nước lạnh. Ở huyện Sơn Tây (Quang Ngãi), ngời Hrê đi tìm râu hổ già, lấy 9 râu, ngâm lá ngón 3 tháng, dùng mũ cây hơnia tẩm râu, cắm râu xuống phân hổ trộn bùn đựng trong 2 ché. Hàng đêm cúng sâu độc (sau khi tiếng vượn hú lần hai), một tháng cho vào ché một con gà trống để sâu có thức ăn. Cứ 3-4 năm như vậy, râu hổ bị phân rã, sinh loài cây có 5 lá, gọi cây bọ ghẹt. Sâu ăn lá bọ ghẹt, sâu là thuốc độc cực mạnh, người Kinh gọi là càm đồ thuốc độc. Nếu bỏ vào đó đồ ăn uống, tư trang của người bị hại thì người ấy sẽ phát bệnh và bệnh tình không chữa được.
Trong hàng ngàn người luyện bọ ghẹt chỉ 1,2 người thành công, nhìn con thú là bắt được thú. Sau khi thành công, người đó sống kiếp càhin (nửa người nửa thú) lang thang trong rừng. Bọ ghẹt chết thì người ấy cũng mất hết sức lực.
Bgang, matrop là biến tướng của ma lai ma người sống). Người có ma lai dùng thủ thuật: phù phép vào xương gà, gọi tên địch thủ, phóng xương gà về phía địch thủ, giết gà cúng, chặt máu gà chảy vào quan tài nhỏ, gọi tên người muốn giết hại, chôn quan tài xuống đất, bỏ lên bè cho trôi nước, như thầy cúng gọi âm binh tà ma… Người bị hại đau bụng, nhức gân, lở thịt, thối da, lở bụng...........
Ma thuật đen là loại ma thuật dữ, dùng sức mạnh siêu nhiên của ma quỷ để làm hại cho con người. Ma thuật trắng là loại ma thuật lành, dùng sức mạnh siêu nhiên của thần thánh để làm lợi cho con người. Trong khi ma thuật trắng (bao gồm các loại: ma thuật mưu sinh, ma thuật chữa bênh, mà thuật tình yêu, ma thuật chiến tranh) có các chuyên gia giỏi, nổi tiếng dưới dạng thầy cúng, thầy lang, thầy mo, đấng cứu thế…. Có thể dùng ma thuật để gây bệnh và chữa bệnh. Còn ma thuật làm hại không có chuyên gia. Người ta tin rằng ai cũng có thể có ma thuật làm hại, nhất là đối với người lạ ở xa mình. Người ta tin rằng ai bị tác động của ma thuật làm hại tất không tránh khỏi cái chết..........
Ma thuật làm hại thường sử dụng các thủ thuật: thư, chài, yểm bùa, phù phép, luyện độc bằng xương người, xương thú, râu thú, các loại lá cây, rễ cây.........." - Theo Phan Hữu Dật .
 Thái Lan là một đất nước xinh đẹp nhưng tất cả các bạn sẽ bị sốc khi biết đây cũng là nơi hình thành rất nhiều nghi lễ và niềm tin cùng với phép thuật đen đã tồn tại ở đất nước này và vẫn còn tồn tại. Hầu hết niềm tin này là hoặc chia sẻ với các nước có chung biên giới khác hoặc đến từ các thần thoại Phật giáo. 
Theo tờ Bangkokpost, ngày 5/9/2014, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha từng phàn nàn rằng, ông bị viêm họng và đau toàn thân do trúng bùa ngải. Phát biểu tại cuộc họp nhằm lựa chọn các thành viên cho Hội đồng Cải cách Quốc gia, vị Thủ tướng này đã chia sẻ: “Hôm nay, tôi bị viêm họng và đau ở cổ. Có người nói rằng có kẻ đã yểm bùa tôi. Toàn thân tôi run cầm cập và sắp bị cảm lạnh”. Cũng theo tân Thủ tướng này, kẻ sử dụng “thế lực hắc ám” để hãm hại ông không ai khác chính là một “đối thủ” nào đó đang nuôi ý định tranh giành chiếc ghế Thủ tướng.
Đây không phải lần đầu tiên một quan chức ở đất nước Chùa Vàng được cho là bị hãm hại bằng bùa ngải. Một thời, bộ trưởng giao thông, chánh văn phòng tài chính Thái Lan cũng từng thú nhận bị trúng thứ bùa ma quái này. Tuy nhiên, ở một đất nước vốn không xa lạ với những câu chuyện về ma thuật đen thì những thông tin được dư luận thế giới cho là “giật gân” trong giới chính trường như thế này lại được xem là không có gì đặc biệt.
Không chỉ dân thường, những người lãnh đạo đất nước này cũng có niềm tin mê muội vào lực lượng siêu nhiên. Các chính trị gia Thái Lan trong nhiều thập kỷ thường tham khảo ý kiến các nhà tướng số hoặc thực hiện các nghi lễ phức tạp để duy trì ưu thế trước đối thủ cạnh tranh của mình. Vợ của một vị Thủ tướng nước này trong những năm 1990 thường xuyên mang theo mình một con voi đồ chơi để “uy hiếp” những kẻ muốn hại sự nghiệp của chồng mình.
Theo Bangkok Post, gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra có hẳn một nhà chiêm tinh riêng. Và trước mỗi đợt bầu cử hoặc trước khi ra một quyết định quan trọng nào, ông đều hỏi ý kiến “thầy” của mình trước. Ngay cả Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng từng công khai rằng, ông thường hỏi ý kiến thầy bói. Thời điểm ông Prayut chính thức vào Văn phòng Chính phủ được canh chính xác đến từng phút. Nội các mới bắt đầu làm việc đúng 9h sáng ngày 9 tháng 9 cũng không phải ngẫu nhiên. Ở Thái, số 9 được xem là số đẹp, đem lại điềm lành, thịnh vượng.
Theo những thông tin lan truyền ở nước này, trong các hồ sơ đấu thầu xây dựng, hay những hồ sơ đấu giá mà các ứng viên cầm bao giờ cũng có những lá bùa nhỏ hoặc được vẩy thứ nước bùa nhằm triệt phá đối thủ. Nhiều doanh nhân nước này tin rằng, để chiến thắng các đối thủ “nặng ký”, ngoài chất lượng sản phẩm, dịch vụ, một phần quyết định sống còn khác là các lá bùa “phá”.  
Những bùa ngải “hại người” này tồn tại dưới nhiều hình thức. Có thể đó là bùa Thiên linh cái, Kuman Thong, làm từ xác thai nhi dát vàng. Cũng có thể đó là “ya sang”, một loại độc dược được trộn vào thức ăn để gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc và thậm chí gây tử vong cho đối thủ. Vì thế nên để né tránh bị tổn hại từ những lá bùa này, người Thái thường luôn phải đeo những tấm bùa chú, hoặc bùa ngải có tác dụng bảo vệ thân chủ khỏi các cuộc tấn công. Đặc biệt, mỗi khi ra ngoài, thành viên của các băng đảng xã hội đen ở Thái Lan không bao giờ quên mang theo những lá bùa với niềm tin mê muội rằng bùa sẽ giúp họ tránh đạn hoặc những mối nguy hiểm khác.
Còn một khi tin rằng bị trúng bùa ngải, những người Thái lại tìm đến nhiều cách khác nhau để giải bùa. Thông thường nhất là họ tìm đến một pháp sư để được làm lễ giải trừ bùa. Cách giải trừ bùa ngải này nhìn cũng khá đơn giản, đó có thể chỉ là vài động tác làm phép bằng trứng gà luộc hay vài câu phép của các pháp sư. Cũng có khi phải dùng đến một lượng máu của chính người bị “ngải vật” mới mong hóa giải được.

Vào thời điểm dư luận thế giới vẫn đang hãi hùng với loại dược phẩm tăng cường sức khỏe bào chế từ thi thể trẻ em, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ một công dân Anh gốc Đài Loan (Trung Quốc) mang theo 6 bào thai người đã được xử lý và bọc vàng trong một nghi lễ ma thuật đen nhằm mang lại may mắn cho người sở hữu.
Tên Chow Hok Kuen (28 tuổi) bị bắt ngày 18.5 tại khu cộng đồng người Trung Quốc (Chinatown) ở thủ đô Bangkok cùng với vali hành lý chứa những thi hài trẻ em được bọc kín.
Theo cảnh sát, nghi phạm này đã mua các thai nhi trên vài ngày trước từ một người đàn ông Đài Loan sống ở Thái Lan với giá 6.500USD và dự kiến sẽ bán lại với giá gấp 6 lần nếu đem trót lọt về Đài Loan.
Theo đại úy Wiwat Kamchamnan - cảnh sát Bangkok - thì tên Chow Hok Kuen có thể sẽ phải nhận mức án 1 năm tù giam và bị phạt 2.000 baht.
Theo quan niệm ma thuật đen của người Thái Lan và một số cộng đồng người Trung Quốc, những bào thai được bảo quản sẽ mang đến may mắn và giàu có cho người sở hữu. Vì vậy, các bào thai này thường được mua và để trong các khu đền thờ của gia đình hoặc doanh nghiệp. Chưa rõ về nguồn gốc của các thai nhi được tìm thấy.( Theo Telegraph. ).
Thailand Black Magic - Pháp thuật đen Thái lan.




Thư kim bằng hình nhân.



The Magical Mysteries of Thailand (Part 1) - Pháp thuật nhiệm màu Thái lan 1.

The Magical Mysteries of Thailand (Part 2) - Pháp thuật nhiệm màu Thái lan 2.

The Magical Mysteries of Thailand (Part 3) - Pháp thuật nhiệm màu Thái lan 3.

The Magical Mysteries of Thailand (Part 4) - Pháp thuật nhiệm màu Thái lan 4.


Xin theo dõi tiếp bài 18 . dienbatn.

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam

 
Top
cho tat ca link nofollow