CHUẨN BỊ VÀO MÙA CẢI TÁNG 2015 .
" Khi táng di hài Tổ tiên,chắc người ta phải chọn Địa huyệt thật tốt mà an táng,song song với việc trên ,người tại tiền phải nỗ lực tu dưỡng thân,tâm cầu lấy gốc rễ của Đạo.Nếu chỉ chú trọng quan sát hình thể Địa huyệt,sẽ cho kết quả trái ngược,làm tổn hại đến con cháu đời sau. Nếu như có Nhân,tất phải có Quả;nhưng Nhân -Quả thiện ác tùy vào Tâm khi chiêu lấy họa phúc- dienbatn "
Năm 2015 - Ất Mùi - Lập thu vào giờ Dần ngày Bính Thìn - 24/6/ Ất Mùi , tức là vào lúc 3g 01 phút ngày thứ bảy 8/8/2015. Bắt đầu từ ngày Lập Thu , chúng ta đã có thể tiến hành những bước đầu tiên cho việc cải táng . Thời gian có thể cải táng bắt đầu từ Lập thu cho đến ngày Đông Chí . Đông chí năm nay vào giờ Mùi ngày Nhâm Dần - 12/11/Ất Mùi - tức là vào 11g 48 phút ngày 22/12/2015 . Ngày Đông Chí là ngày có đêm dài nhất trong một năm và là ngày có ngày ngắn nhất trong một năm. Ngày Đông Chí là ngày khí nhất Dương sinh ra, là ngày khí Âm cực đại và bắt đầu có khí Dương sinh ra. Ngày này thường sinh ra gió Đông Nam thổi và chính vì vậy, ngày xưa Khổng Minh lợi dùng sự hiểu biết này để đốt chiến thuyền của Tào Tháo trong trận Xích Bích .Trái lại  , ngày Hạ Chí là ngày có ngày dài nhất trong năm, đêm ngắn nhất trong năm, là ngày khí Dương cực đại và khí Nhất Âm sinh ra. Trục Hạ Chí - Đông Chí cũng là trục để tính Âm độn hay Dương độn trong Kỳ Môn Độn giáp chính là vì lý do đó. Ngày Đông Chí cũng chính là ngày kết thúc việc cải táng mộ phần. Bởi khi Dương khí sinh ra, sẽ ảnh hưởng đến xương cốt khi cải táng. 
CÁC BƯỚC CẦN THỰC HIỆN TRƯỚC KHI CẢI TÁNG NHƯ SAU :
15/ CHỌN NGÀY CẢI TÁNG.
Năm 2015 - Ất Mùi - Lập thu vào giờ Dần ngày Bính Thìn - 24/6/ Ất Mùi , tức là vào lúc 3g 01 phút ngày thứ bảy 8/8/2015. Bắt đầu từ ngày Lập Thu , chúng ta đã có thể tiến hành những bước đầu tiên cho việc cải táng . Thời gian có thể cải táng bắt đầu từ Lập thu cho đến ngày Đông Chí . Đông chí năm nay vào giờ Mùi ngày Nhâm Dần - 12/11/Ất Mùi - tức là vào 11g 48 phút ngày 22/12/2015 . Như vậy năm nay ta có thể chọn ngày cải táng trong khoảng thời gian từ 26/6 đến ngày 12/11 âm lịch .
* Tính toán thời gian đặt mộ : Có thể tính theo Tý- Ngọ lưu trú, Linh Quy bát pháp hoặc có một cách tính đơn giản hơn là phương pháp tính theo Mộ Long biến vận.
Mộ Long biến vận là phép để tìm năm tháng ngày giờ cát để hạ táng. Phương pháp này tính theo cách : Lấy 24 sơn theo Hồng phạm ngũ hành làm chính, xem mộ tại thời nào rồi dùng Ngũ thư độn của bản niên ( tức là năm cần tránh ) đến thời mộ của bản sơn nạp âm thì mộ chính là biến vận. Lấy nạp âm Thái tuế so với nạp âm Mộ nếu :
_ Ngang hòa, tương sinh là cát.
_ Nạp âm mộ vận khắc nạp âm Thái tuế là đặc biệt tốt.
_  Nạp âm Thái tuế khắc nạp âm mộ vận là hung, không dùng được.
Tính năm tháng ngày giờ cũng theo đó mà suy.
Căn cứ : 1/ Xét tọa của Huyệt ( phía đầu tiểu ).
2/ Tìm Mộ của tọa sơn theo Hồng phạm ngũ hành xem nó thuộc nạp âm ra hành gì ?
3/ Nạp âm mộ vận : Nạp âm của năm , tháng, ngày, giờ. ( Ngang hòa , tương sinh là tốt, Mộ vận khắc năm , tháng, ngày, giờ là đặc biệt tốt, Không dùng năm , tháng, ngày, giờ có ngũ hành khắc mộ vận.
HỒNG PHẠM NGŨ HÀNH:
* 3 Sơn : Cấn , Chấn, Tỵ = > Mộc mộ tại Mùi.
* 4 Sơn Nhâm , Ất , Bính . Ly = > Hỏa mộ tại Tuất.
* 4 Sơn Đinh, Đoài, Hợi, Càn =  > Kim , mộ tại Sửu.
* 5 Sơn Quý, Sửu. Mùi, Khôn , Canh = > Thổ , mộ tại Thìn.
* 8 Sơn Khảm , Dần, Giáp, Thìn , Tốn, Thân, Tân , Tuất =  > Thủy, mộ tại Thìn .
Sau khi tính được thời gian đặt mộ ta có thể chọn thời gian gần nhất để cải táng . Thông thường cải táng vào ban đêm và sáng ngày hôm sau sẽ đặt mộ xuống .

* 10 ngày tốt để an táng không phụ thuộc vào tháng .
Ngày Giáp Tý - Canh Thân - Kỷ Dậu - Bính Thân - Nhâm Dần - Quý Dậu - Nhâm Thân -Nhâm Ngọ - Bính Ngọ - Đinh Dậu .
Chọn lựa thời điểm để cải táng là một việc vô cùng quan trọng. Theo phong tục của người Việt Nam, người mất sau mãn tang thì cải táng, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải tháng thường được tiến hành ít nhất là sau 36 tháng chôn hung táng. Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của vong, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam.Đối với tuổi trưởng nam thì tránh: hình;xung, hại .
Tương hình (xấu) (chỉ tính hàng chi):
Trong 12 chi có 8 chi nằm trong 3 loại chống đối nhau:
1.Tý và Mão              Chống nhau 
2. Dần, Tỵ và Thân   Chống nhau 
3. Sửu, Mùi và Tuất  Chống nhau 
Và hai loại tự hình: Thìn chống thìn, Ngọ chống Ngọ (chỉ có Dậu và Hợi là không chống ai).
Tương xung (xấu) hàng can có  4 cặp tương xung (gọi là tứ xung).
Giáp (Phương Đông) xung với Canh (Phương Tây) đều Dương
Ất (Phương Đông) xung với Tân (Phương Tây) đều Âm.
Bính (Phương Nam) xung với Nhâm(Phương Bắc) đều Dương.
Đinh (Phương Nam) xung với Quý (Phương Bắc) đều Âm.
Tương hoá (tốt) theo hàng can có 5 cặp tương hoá (đối xứng nhau).
1. Giáp-Kỷ hoá Thổ (âm dương điều hoà).
2. Ất-Canh hoá Kim (âm dương điều hoà).
3. Bính-Tân hoá Thuỷ (âm dương điều hoà).
4. Đinh-Nhâm hoá Mộc (âm dương điều hoà).
5. Mậu-Quý hoá Hoả (âm dương điều hoà).
Khi chọn giờ, ngày, tháng cũng phải tránh tuổi của vong và con trưởng cũng như các ngày xấu giờ xấu phạm nhiều sao xấu nhưng tất cả cùng phải chung một điều là bốc mộ phải làm vào ban đêm, vong hồn không thể tiếp xúc với ánh mặt trời mới cả việc này nhằm tránh cho xương cốt gặp ánh sáng sẽ bị đen đi “thông thường ban ngày làm lễ phạt nấm, sau đó đúng giờ tốt mới bắt đầu mở tấm ván Thiên lên ( Tấm ván Thiên là tấm ván trên nóc quan tài ).
16/CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ CHO NGÀY CẢI TÁNG ?
Trước tiên, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà chúng ta chọn Tiểu và Quách bằng nhiều vật liệu khác nhau như sành, sứ , xi măng, gỗ...Các vật liệu rẻ tiền như xi măng, sành , sứ theo thời giá hiện nay chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng một bộ Tiểu và Quách . Với những bộ Quách bằng gỗ Ngọc Am và Vàng tâm cùng với Tiểu bằng sành đặt tại Bát Tràng như hình bên dưới có giá hàng trăm triệu đồng. Việc tiếp theo nữa là chuẩn bị thật nhiều nước Vang (  Còn gọi là nước ngũ vị hương - Đừng nhầm với gói ngũ vị hương để nấu Ca ri - Gói Vang có bán sẵn ở tiệm thuốc Bắc ).Thông thường sau khi chọn được ngày bốc mộ , người Thày cũng cần phải xem giờ bốc mộ cho thân chủ . Tùy theo giờ tốt mà bốc , nhưng tất cả cùng phải chung một điều là bốc mộ phải làm vào ban đêm . Việc này nhằm tránh cho xương cốt gặp ánh sáng sẽ bị đen đi . Khi bốc mộ , người ta thường đào trước phần lớp đất ở phía trên trước , sau đó đúng giờ tốt mới bắt đầu mở tấm ván Thiên lên ( Tấm ván Thiên là tấm ván trên nóc quan tài ) . 
Trước khi tiến hành bốc mộ , người nhà phải có làm một cái lễ tại Gia tiên để trình báo Tổ tiên . Tại nơi bốc hài cốt ngoài nghĩa trang cũng phải có một cái lễ trình Quan Thần Linh sở tại . Thông thường là một bộ đồ Quan Thần Linh ( Áo , mũ , ủng ) , ngựa và 1000 vàng hoa màu đỏ , giấy tiền vàng bạc , trầu cau , rượu , thuốc , đèn nến , gạo muối . Nhiều nhà còn cúng thên Tam sên ( trứng vịt luộc + Thịt lơn luộc và một nhúm tôm khô bóc vỏ ) , xôi , gà trống luộc nguyên con ....
Vật dụng cần thiết cho quá trình bốc mộ là một cái tiểu sành , một cái quách đặt làm sẵn , một miếng vải đỏ ( tốt nhất là mua thêm một tấm " Mền Quang Minh " ( có bán tại khu vực chùa Quán Sứ giá khoảng 80.000 đ ) , một vài tấm ni lông , giấy trang kim , một tấm bạt và chiếc bàn thấp để Thày làm lễ , vài chai rượu nặng và vài chục lít nước Vang. Một vài cái xô , chậu nhựa để rửa xương . Người ta cũng chặt sẵn một vài đoạn thân cây chuối dùng để cắm nhang. Phần lớn việc bốc mộ diễn ra vào lúc nửa đêm, tuy nhiên tốp thợ thường phải thức trọn đêm cùng gia chủ làm công việc chuẩn bị như cúng bái và chuyển hài cốt sang mộ mới. Trung bình để bốc xong một ngôi mộ, mỗi tốp thợ phải làm việc quần quật suốt hơn một tiếng đồng hồ. Trước khi đào, họ phải xác định vị trí huyệt thật chính xác, nhiều ngôi mộ do chôn thời gian lâu, quá trình tu sửa bị sai lệch vị trí so với ban đầu, nếu không biết cách sẽ phải đào rất vất vả, có khi đào nhầm sang mộ bên cạnh. Công việc bốc mộ thường là do những người chuyên môn bốc mộ đảm nhiệm . Khi ván Thiên được cậy ra , người ta phải đổ vài chai rượu có nồng độ cao vào quan tài để tảy rửa âm Khí , cũng nhiều nơi người ta dùng một cây chổi to làm bằng lá hương nhu đốt cháy và khua xung quanh quan tài để trừ Âm Khí . Sau đó mới tiến hành lấy cốt . Nhiều khi gặp trường hợp hài cốt chưa phân hủy hết , người ta phải dùng  dao dóc những mảnh thịt còn lại và đem rửa bằng nước vang . Sau khi nhặt hết cốt , rửa sạch , người ta trải tấm ni lông hay giấy trang kim ở dưới , tấm vải đỏ ở trên và lần lượt xếp xương theo thứ tự của người . Riêng cái sọ phải dùng trà hoặc vải kê để cho mặt hướng lên trên . Bên cạnh cáo sọ người ta xếp một ít giấy tiền mã xanh , là thứ tiền dùng cho người chết đi đường . Những người bốc mộ có kinh nghiệm , người đó phải biết cài 2 ống xương chân theo chiều dọc tiểu thật chắc chắn rồi mới tới 2 ống xương tay, xương sường phải xếp thành vòng cung .  Mọi thứ xương phải kiểm tra cho đủ , không được phép thiếu .Có một cách mà dân gian thường sử dụng để kiểm tra đó là: sau khi “đãi cốt” xong, người ta thường cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt, nếu làn khói quyện lại, bay thẳng lên có nghĩa đã hết cốt, nếu làn khói tỏa xuống, lởn vởn trong lòng huyệt có nghĩa là xương cốt của người chết chưa hết, cần phải kiểm tra lại.Sau khi hoàn tất , người ta phủ tấm " Mền Quang Minh " lên trên và đóng nắp tiểu lại . Từ khi đóng nắp tiểu lại thì không được mở nắp ra nữa vì sợ ánh sáng lọt vào. Cũng cần nhớ là trong suốt quá trình chuyển tiểu tới nơi mới , cần cử một người ngồi cạnh tiểu rắc như thoi và lá tiền vàng mã để dẫn đường cho Vong biết đường mà đi về nơi mới. 

17/ HẠ HUYỆT .
Khi xây dựng Huyệt mộ, người ta chỉ xây ở xung quanh bằng gạch chỉ và phần dưới cùng, đất phải để nguyên đất Huyệt Thổ, không được trát vữa hay đổ bê tông vào lòng Huyệt. Làm như vậy sẽ ngăn cản Địa Khí không nhập vào Huyệt mộ được. Dưới đáy Huyệt, người ta phải đánh độ dốc khoảng 3 độ từ Đầu tới Chân ( Đầu cao hơn chân ).
- Khi gặp trường hợp đất đào Huyệt mộ chẳng may gặp phải đất là Huyệt hung táng đã cải đi rồi, tốt nhất là tránh ra chỗ khác. Trường hợp bất khả kháng , người ta phải đào hết đất cũ đi đến phần đất liền thổ và đắt Quách và tiểu chìm hẳn vào lớp đất liền thổ đó. Sau khi lấp Huyệt , người ta phải dùng đất sạch ( tốt nhất là đất phù sa sông ) để lấp. Kinh nghiệm của dienbatn là trong quá trình lấp đất vào Huyệt mộ, lớp đầu tiên người ta dùng cát để cố định Quách không cho dịch chuyển sau khi đã Phân Kim - Điểm hướng. Lấp khoảng 1/3 chiều cao của Quách người ta mới cho đất mịn xuống tiếp cho đến khi ngang mặt trên của Quách. Tiếp sau đó mới cho đất cục lớn và lấp dần tới cách mặt đất khoảng 40 cm. Lúc này , phải cho một lớp cát có chiều dày khoảng 10 - 15 cm phủ lên trên. Mục đích của lớp cát này là để chống mối không cho ăn vào Quách. Khi những con mối đào hang tới lớp cát sẽ bị cát sụt xuống làm sập lỗ đào , khiến con mối đó bị giữ lại và chết trong lớp cát đó. Lưu ý là sau khi hạ quách xuống, phải cho tấm bia cũ ở mả hung táng xuống phía chân Quách.
Lưu ý : Trên tiểu và Quách người ta thường làm những hoa văn phía đầu và chân khác nhau . Phía đầu có chữ Phúc hình tròn, phía chân chữ Phúc hình vuông. Dân gian thường nói " Đầu tròn - Đít vuông " cho dể nhớ. Cần lưu ý điều này khi đặt tiểu vào trong Quách và khi đặt Quách xuống Huyệt mộ. Riêng trường hợp ngày xưa tiểu thường không có nắp mà đậy bằng những viên gạch có bản rông, ta quan sát thông thường phần đầu có 2 lớp gạch và phần chân chỉ có 1 lớp gạch.
Sau đó người ta mới thực hiện dải tiền Âm và tiền Dương xuống mộ. Một vài nơi người ta dải 5 loại đậu  năm mầu và những đồng xu cổ xuống mộ.

Lấp mộ cho bằng mặt đất.
18/ DỰNG MỘ.
Mộ sau khi cải táng có nhiều kiểu , nhưng nhìn chung cha ông chúng ta có câu truyền lại rằng " : Chết mộ dài - Cải táng một tròn " ( Tức là khi hung táng thì đắp mộ dài theo thân - Khi Cải táng thì đắp mộ hình tròn ) . Nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này và soi rọi bằng những kiến thức Địa lý mà cha ông chúng ta truyền lại , dienbatn thấy cha ông chúng ta thật là chí lý. 
Sau khi cải táng, người ta tùy theo điều kiện kinh tế gia đình mà thực hiện phần mộ phía trên . Từ Bắc vào Nam nước ta , có nhiều kiểu mộ : Hình chư nhật, hình tròn, hình trứng ngỗng , hình mai rùa, hình lá sen, hình gáy ngựa ( cổ ngựa ) - Còn gọi là Mã Lạp , Mộ nấp liếp, mộ Trúc cách, Long đình ( giống như một chiếc kiệu ) - Thường dùng cho các bậc quyền quý, Lăng, Tẩm ( thường dùng cho những bậc Đế Vương ).
A/ VẬT LIỆU LÀM MỘ.
Tùy theo điều kiện cụ thể của các gia đình, người ta có thể xây dựng mộ phần cải táng bằng nhiều vật liệu khác nhau như đắp đất, xây bằng gạch , lát đá xẻ hoặc làm bằng đá nguyện khối.
Tuy nhiên , dù có làm mộ bằng vật liệu gì, người ta vẫn cần phải đảm bảo tất cả những yêu cầu về Phong thủy , nhằm làm cho mộ phần được vĩnh hằng, mồ yên mả đẹp ,  tạo được sự an lạc,hạnh phúc cho mọi người còn đang sống.
1. Mộ đắp bằng đất : Đây là trường hợp những người quá nghèo, không thể làm mộ bằng những vật liệu tốt hơn nên chỉ đắp nấm bằng đất và cắm bia lên mộ để đánh dấu. Những nấm mộ này sau một vài chục năm thường bị mất nấm do con người cày bừa, canh tác qua đó , hoặc do những dòng nước cuốn trôi đất đi nên mất dấu. Trong thời gian đất nước còn chiến tranh , vì điều kiện khó khăn nên đa phần người ta chỉ đắp mộ bằng đất, thời gian trôi đi, kẻ còn , người mất nên nhiều nấm mộ bị thất lạc vì mất nấm , thậm chí có nhiều ngôi mộ do không nắm được vị trí chôn trước nên những ngôi mộ sau chôn trùng lên phía trên. dienbatn đã gặp trường hợp khi hợp tác xã cho đấu thầu ao, người ta vét ao và thấy có tới 4 chiếc tiểu sành xung quanh bờ ao, người thầu ao đó xếp cả 4 chiếc tiểu lên thành một chồng và chôn ngay dưới hố thông hào bên bờ ruộng gần đó. Sau này cùng một nhà ngoại cảm ( Chị Mai - Thái Bình ) đi tìm mộ , mới phát hiện ra điều đó .
Ngày nay , ngoài các nghĩa trang ở các làng quê, tình trạng mộ đắp đất bị mất nấm và trở thành vô chủ hay bị thất lạc rất nhiều. Đã có nhiều gia đình khi nhận mộ bị những gia đình khác cũng nhận trùng, gây nhiều việc rất đau lòng.
2. Mộ xây bằng gạch và trát vữa.
Một hình thức làm mộ đỡ tốn kém là mộ được xây bằng gạch , sau đó trát vữa lên như người ta xây nhà . Hình thức này được sử dụng khá phổ biến trong những thập kỷ 60-90 của Thế kỷ trước. Ưu điểm của mộ này là khá chắc chắn và bền vững. Mộ xây kiểu này người ta có thể xây được rất nhiều hình thù bất kỳ tùy theo tục lệ ở các địa phương.
3. Mộ xây gạch nhưng bên ngoài lát gạch men.
Những ngôi mộ này cũng tương tự như những ngôi mộ xây bằng gạch và trát vữa, xong về hình thức thì coi trông đẹp hơn. Nhược điểm của loại mộ này là sau một thời gian, các mạch vữa sẽ bị chảy ra loang lổ và hay bị nứt gạch.
4. Mộ làm bằng đá xẻ.
Hiện nay có khá nhiều chủng loại đá xẻ nội hay nhập ngoại. Đá xẻ thường dày khoảng 1,5 - 2 cm. Tùy theo loại đá mà có giá thành khác nhau. Thông thường người ta sử dụng loại đá xẻ tốt là loại đá Kim Sa ( có hai loại hạt to và nhỏ ) , loại tốt là nhập từ Ấn Độ, Trung bình là đá xẻ của Bình Định, loại rẻ tiền là đá của Trung Quốc. Nhìn không có kinh nghiệm rất dề bị nhầm mặc dù giá thành của chúng khác nhau khá xa. Giá thành một ngôi mộ như vậy có thể giao động từ 15 - 25 triệu tùy theo chất lượng đá. Mộ loại này khá bền vững theo thời gian, độ bền màu ổn định , tuy nhiên hãy còn hay bị loang lổ do xi măng ở các mối ghép . Ngày nay thợ đá có loại keo gắn đá ( gồm 1 lon và 1 tuýp trộn với nhau ) , dùng gắn đá thay xi măng khá ổ định và bền.
5. Mộ bằng đá nguyên khối.
a/ Mộ đá xanh của Thanh Hóa hay Ninh Bình . Làng nghề đá Ninh Vân - Ninh Bình hiện nay đã chế tác khá nhiều mẫu mộ bằng đá nguyên khối. Thông thường thì người ta chọn đá granit của Thanh Hóa hay Ninh Bình để làm. Loại này có giá thành khá rẻ , tùy theo kiểu dáng chế tác và tính theo M3 khoảng vài chục triệu một ngôi mội. Loại đá này mềm nên dễ chế tác (  Độ cứng thường chỉ đạt 4-5 ). Nhược điểm của loại này thường là do nổ mìn khi khai thác nên đá bị om ở trong sẵn dễ vị nứt. Tại làng nghề, người ta dấu rất khéo các vết nứt hay khiếm khuyết khi chế tác bằng một loại keo. Nhiều gia đình có điều kiện và kỹ lưỡng , họ đến tận mỏ đá chọn những cục đá mồ côi hay khai thác không nổ mìn về để chế tác . Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng đá Ninh Vân , hàng trăm mẫu mã các sản phẩm được chế tác tuyệt đẹp. 
b/ Mộ bằng những loại đá bán quý.
Đá bán quý là những khối đá như Cẩm Thạch , Caxiđôn , Mã Não hay đá Ngọc Bích . Đây thường là những viên đá mồ côi có kích thước khá lớn . Đặc điểm của những loại đá này là có màu đẹp ( Xanh hoặc đen ), độ cứng rất lớn ( 7-8 ), nhiều vân đẹp hay tuyền một màu và không hề có vết nứt . Loại đá này gần như vĩnh cửu theo thời gian . Xuất xứ của đá có thể là nhập từ Nê Pan, Ấn Độ hay là những viên đá mồ côi ở Phú Yên ,  Bình Định. 
Đây là một loại đá đen mồ côi của Bình Định. Đá rất liền thớ và có độ cứng khoảng 6-7. Dùng đá mồ côi làm mộ phần tốt hơn các loại đá khác là không bị om đá vì nổ mìn, dẫn đến đá không có những vết nứt ngầm. Trong loại đá này có chất dầu nên càng gặp mưa nắng càng bóng. Trên nền đen có những vân trắng rất đẹp. Dàn máy làm đá thật là hiện đại, tiện lõi của đá có đường kính 80 cm mà cứ như tiện thép.
Ba khối đá hình bát quái đặt chồng lên có đường kính vòng tròn ngoại tiếp lần lượt là 1,47 m - 1,27 m và 1,07 m. Với chiều dày từ đáy lên lần lượt là 35 cm - 35 cm - 57 cm.
B/ HÌNH DÁNG MỘ .
Đây là một số kiểu mộ do dienbatn thiết kế - chế tạo và lắp đặt trong những năm qua .
C / MÀU SẮC CỦA MỘ.
Thông thường vì mộ là Âm trạch nên người ta thường chọn vật liệu làm mộ có màu đen hoặc xanh thẫm. Hầu như cũng không có ai làm mộ màu trắng cả vì trông giống màu WC. Cũng không nên sử dụng màu đỏ vì tính Dương khí nhiều .
19/ BƯỚC CUỐI CÙNG : BỒI HOÀN LONG MẠCH VÀ TẠ MỘ .
ĐỒ LỄ TẠ MỘ VÀ BỒI HOÀN LONG MẠCH .
1/ Xôi - gà.
2/ một bộ Quan Thần linh ( mũ - áo - ủng - ngựa - 1000 vàng hoa ) tất cả màu vàng+ 200 cuốn Thọ sinh kinh – tiền mã.
3/ 01 đĩa ngũ quả ( 5 loại ).
4/ o1 bình hoa cúc hay hồng.
5/ 3 cốc trà - 3 cốc rượu - 3 cốc nước.
6/ 9 cây nến cốc màu đỏ.
7/ Trầu cau - rượu - thuốc lá.
8/ ít giấy tiền vàng bạc cúng vong. Quần áo cho Vong gia tiên.
9/ Gạo , muối.
10/ 01 tô cháo trắng.
11/ bỏng ngô, ngô , khoai luộc.
12/ 01 bó hương.
13/ Một bộ Tam sên : Thịt luộc – 01 trứng vịt luộc – một nhúm tôm nõn.
14/ Nước vang + hàn the + Cháo loãng .
SỚ  BỒI HOÀN LONG MẠCH .
Nam Mô A Di Đà Phật .
Kính lạy :
Đức U Minh Giáo chủ Địa Tạng Vương Bồ tát .
Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư vị tôn Thần .
Các ngài Ngũ Phương , Ngũ Đế , Ngũ Nhạc Thánh Đế , Nhị Thập Tứ Khí Thần Quan , Địa mạch Thần Quan , Thanh Long , Bạch Hổ , chư vị Thổ Thần cùng quyến thuộc .
Các ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn Thần , Bản Cảnh Thành Hoàng tôn Thần và các vị Thần minh cai quản trong khu vực này .
Hôm nay là ngày  ...   Tháng ...    Năm ....
Nay có Tang chủ Tín chủ của chúng con là : 
.................................
Rất đau thương vì vong linh của ....., MẤT NGÀY ........
Táng tại ..............................
Thành tâm sưả biện hương , hoa ,lễ vật và các thứ bày ra trước Án xin điền hoàn Long mạch .
Bởi vì trước đây do tình mờ mịt , thức tỉnh hồn mê , đào đất lấp ao , gây nên chấn động . Hoặc bởi khách quan , hoặc do chủ sự , tổn thương Long mạch , mạo phạm Thần uy , ảnh hưởng Khí mạch . Muốn cho Phong Thổ được an hòa , gia đình chúng con người người được chữ bình an , miễn trừ được tai họa . Nên nay trượng uy Đại Sĩ , nương đức tôn Thần , cung tọa bồi hoàn , nhương kỳ khẩn đảo Thần công nguyện xin bảo hộ , chứng minh sám hối , thụ hưởng đan thành .
Tín chủ của chúng con xin chí thành cúng dâng Ngài U Minh Giáo chủ Bản Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát .
Ngài Kiên Lao Địa Thần Bồ Tát .
Các Ngài Ngũ Phương , Ngũ Đế , Hậu Thổ Nguyên Quân , Sơn Nhạc Đế Quân , Đương Phương Thổ Địa , Thổ Phủ Thần kỳ , 24 Khí Thần Quan , 24 Long mạch Thần Quan , 24 Địa mạch Thần Quan , 24 Sơn Địa mạch Thần Quan , 24 Hướng Địa mạch Thần Quan , Thanh Long , Bạch Hổ , Thổ Bá , Thổ Hầu , Thổ Mãnh , , Thổ Trọng Thần Quan , Thổ Phụ , Thổ mẫu , Thổ Lương , Thổ Gia Thần Quan , Thổ Tử , Thổ Tôn , Thổ Khảm , Thổ Khôn Thần Quan , Thổ Kỳ Ngũ Phương bát Quái và các vị Thần minh quyến thuộc . Ngài Kim Niên hành Khiển Thái Tuế chí đức tôn Thần , Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng chự vị Đại Vương  và tất cả các vị Thần minh cai quản trong khu vực này . Cúi xin thương xót tín chủ chúng con , nhận lời cầu thỉnh , chuyển tâu sám tạ , giáng phó Án tiền , thụ hưởng lễ vật . Nguyện cho Phong Thổ phì nhiêu , Khí sung , Mạch vượng , Thần an tiết thuận , nhân vật hưng long , sở cầu xưng ý . Dãi tấm lòng thành . Cúi xin chứng giám .
Xin chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái. Lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin, mong các ngài xót thương ủng hộ cho gia đình chúng con tiêu  trừ tai nạn, điều lành thường tới, điều dữ thường lánh xa , hết tai ương bệnh tật trong nhà , hưởng thịnh vượng, an lành, mãi mãi Tài như nước đến, Lộc tựa mây về . Nguyện cho chúng con : Minh niên khang thái , trú dạ cát tường . Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi , công việc hanh thông . Người người được chữ bình an , tháng ngày được hưởng phần lợi lộc . Âm phù - Dương trợ , sở nguyện tòng tâm . Bốn mùa không hạn ách nào xâm , tám tiết có điềm lành tiếp ứng .
Ngài Bồ tát độ chúng sinh tươi đẹp , mạnh khoẻ yên vui , hướng về đường thiện , rộng mở từ tâm , nhân tốt gieo mầm , điều hay học hỏi. Con xin nguyện cầu cuộc đời tăng hạnh phúc quang vinh , nếp sống mới Văn minh ngày mới . Bốn ơn đền đáp - Chín phẩm siêu sinh , nguyện cầu Tổ Quốc hoà bình , nhân dân no ấm , gia chủ mạnh khỏe vui vẻ , bình anh .
Phật tử , Pháp Sư thành tâm kính dâng văn sớ .
Ngày      Tháng     Năm ..................
 Phật tử con là  ...........................,  Cùng toàn thể gia quyến  con xin bái tạ 
CÔNG THỨC NƯỚC VANG BỒI HOÀN LONG MẠCH .
1/ QUẾ CHI .
2/ ĐẠI HỒI .
3/ THẢO QUẢ .
4/VỎ CÂY BẠCH ĐÀN .
5/ RỄ TRẦM.
6/ GỖ VANG .
( Mục 5 và 6 là chủ ).
Khi bồi hoàn Long mạch dùng nước vang pha thêm ít Hàn the hòa với cháo loãng đổ xung quanh khu vực mộ .
VĂN KHẤN TẠ MỘ .
Nay đệ tử con là : 
........................................................
Ngụ tại : .........................................................
Chỉ tình cớ vì chúng con có ..... là : .....  Sinh năm ....., mất ................
 Hiện táng tại nghĩa trang ............................................................
Tới trước phật đài : Cha Thiên , mẹ Địa - Hội đồng Tam Tòa Tứ trụ - Hội đồng Thần Linh các cấp - Hội đồng Gia Tiên đủ bậc .
Thành tâm kính lễ , sám hối cầu xin . Dâng nén Tâm hương nguyện cầu .
Tính chủ chúng con thành tâm kính mời :
Ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức tôn Thần  .
Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương .
Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa .  Ngài định Phúc Táo quân  . Các ngài Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực này 
Cúi xin : Giáng lâm trước án , chứng giám lòng thành , thụ hưởng lễ vật .
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo , Tổ Tỷ , chư vị Hương linh Gia tiên nội ngoại trong họ , cúi xin thương xót con cháu , giáng về Linh sàng , chứng giám tâm thành , thụ hưởng lễ vật .
Tín chủ lại xin phổ cáo với các vị tiền chủ , hậu chủ và các hương linh , cô hồn y thảo phụ mộc , phảng phất trong khu vực này . Xin mời tới đây chiêm ngưỡng tôn Thần , thụ hưởng lễ vật .
Chúng con tự nghĩ  sinh nơi Trần thế ở cõi Sa bà . Công Mẹ Cha sinh dưỡng tày Trời , Ơn Đất nước giữ gìn tự Bể , e đời này nhân tốt ít giống , ngoại Kiếp khác duyên lành hạn chế , vòng quanh cõi thể tội phúc khôn lường . Nay tới Phật đường , lễ cầu sám hối , xiết bao nhầm lỗi , nguyện được sạch lau , tha thiết khẩn cầu , hướng về đường thiện , dốc lòng phát nguyện , chư Phật chứng minh .
Kính lễ : Vô lượng thường trụ Tam bảo khắp mười phương .
Kính lễ : Tây Thiên Đông độ Việt Nam lịch Đại Sư Tổ .
Kính lễ  : Hộ Pháp Thiên Thần chư Thiên Bồ tát .
Kính lễ  : Đức Ông , Hội đồng Quan Thanh tra giám sát .
Kính lễ  : Đức Đại Vương Trần triều hiển Thánh , nhị vị Tổ Chí Linh vĩ đại .
Kính lễ  : Đức Ngọc Phật Hồ Chí Minh chứng giám .
Kính Lễ : Đức Thánh mẫu muôn thủa rạng ngời .
Kính lễ : Bản thôn Liệt vị anh hùng liệt sĩ cùng bảo hộ Quốc gia .
Kính lễ nguyện tại nghĩa trang .......................................................
Tín chủ của chúng con xin chí thành cúng dâng Ngài U Minh Giáo chủ Bản Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát .
Ngài Kiên Lao Địa Thần Bồ Tát .
Các Ngài Ngũ Phương , Ngũ Đế , Hậu Thổ Nguyên Quân , Sơn Nhạc Đế Quân , Đương Phương Thổ Địa , Thổ Phủ Thần kỳ , 24 Khí Thần Quan , 24 Long mạch Thần Quan , 24 Địa mạch Thần Quan , 24 Sơn Địa mạch Thần Quan , 24 Hướng Địa mạch Thần Quan , Thanh Long , Bạch Hổ , Thổ Bá , Thổ Hầu , Thổ Mãnh , Thổ Trọng Thần Quan , Thổ Phụ , Thổ mẫu , Thổ Lương , Thổ Gia Thần Quan , Thổ Tử , Thổ Tôn , Thổ Khảm , Thổ Khôn Thần Quan , Thổ Kỳ Ngũ Phương bát Quái và các vị Thần minh quyến thuộc . Ngài Kim Niên hành Khiển Thái Tuế chí đức tôn Thần , Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng chự vị Đại Vương  và tất cả các vị Thần minh cai quản trong khu vực này .
Gia đình chúng con có mộ của .......................Sinh năm ...., mất ...........
 Hiện táng tại nghĩa trang ...................................
Táng tại xứ này, nay đã sửa sang xây đắp mộ hòan thiện. Vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng Thần linh, Thổ công, Thổ phủ Long Mạch, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ và Chư vị Tôn thần cai quản trong khu vực này xin làm lễ tạ mộ . Chúng con kính mời các vị chư Thần về đây chứng giám lòng thành, chấp kỳ lễ bạc, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thóat. Chúng con xin phép được sửa sang phần mộ, bồi xa, bồi thổ, cho được dầy bền, tu sửa minh đường hậu quỷ cho thêm vững chắc. Nhờ ơn Phật Thánh phù trì, đội đức trời che đất chở, cảm niệm Thần linh phù độ, khiến cho được chữ bình an, âm siêu dương thái. Con cháu chúng con xin vì chân linh ................. phát nguyện tích đức tu nhân, làm duyên, làm phúc cúng dâng Tin Bảo, giúp đỡ cơ nhi quả phụ, tế bần cứu nạn, hiếu thuận tơng nhân để lấy phúc này hồi hướng về Tiên Tổ.
Cúi xin linh thiêng chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì con cháu, qua lại soi xét cửa nhà. Che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điều lành mang đến, điều dữ xua đi. Độ cho gia đạo hưng long, quế hòe tươi tốt, cháu con vinh hưởng lộc trời, già trẻ nhuần ơn Phật Thánh.
Cúi xin thương xót tín chủ chúng con , nhận lời cầu thỉnh , chuyển tâu sám tạ , giáng phó Án tiền , thụ hưởng lễ vật . Nguyện cho Phong Thổ phì nhiêu , Khí sung , Mạch vượng , Thần an tiết thuận , nhân vật hưng long , sở cầu xưng ý . Dãi tấm lòng thành . Cúi xin chứng giám .
Xin chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái. Lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin, mong các ngài xót thương ủng hộ cho gia đình chúng con tiêu  trừ tai nạn, điều lành thường tới, điều dữ thường lánh xa , hết tai ương bệnh tật trong nhà , hưởng thịnh vượng, an lành, mãi mãi Tài như nước đến, Lộc tựa mây về . Nguyện cho chúng con : Minh niên khang thái , trú dạ cát tường . Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi , công việc hanh thông . Người người được chữ bình an , tháng ngày được hưởng phần lợi lộc . Âm phù - Dương trợ , sở nguyện tòng tâm . Bốn mùa không hạn ách nào xâm , tám tiết có điềm lành tiếp ứng .
Ngài Bồ tát độ chúng sinh tươi đẹp , mạnh khoẻ yên vui , hướng về đường thiện , rộng mở từ tâm , nhân tốt gieo mầm , điều hay học hỏi. Con xin nguyện cầu cuộc đời tăng hạnh phúc quang vinh , nếp sống mới Văn minh ngày mới . Bốn ơn đền đáp - Chín phẩm siêu sinh , nguyện cầu Tổ Quốc hoà bình , nhân dân no ấm , gia chủ mạnh khỏe vui vẻ , bình anh .
Phật tử  thành tâm kính dâng văn sớ .
Ngày ....       Tháng  ....Năm ...........
 Phật tử con là  ................,  Cùng toàn thể gia quyến  con xin bái tạ .
Sau khi làm lễ bồi hoàn Long mạch và Tạ mộ xong hóa vàng tại chỗ . Lưu ý khi đốt vàng mã phải cháy cho hết , cuối cùng đổ một chút rượu trắng vào tro.
Vậy là kết thúc 19 công việc CẢI TÁNG MỘ PHẦN. 
Mong một chút kiến thức ít ỏi sẽ giúp đỡ cho các bạn những khi cần sử dụng.
Thân ái.dienbatn.

Đăng nhận xét

Vui lòng không Spam

 
Top
cho tat ca link nofollow